BIOS thật bí hiểm và dễ tạo ra cảm giác “ghê sợ”! Tuy nhiên, không phải quá khó để chúng ta có thể nắm bắt “nỗi sợ hãi” này.
BIOS vẫn luôn là một “cụm từ” đáng kinh sợ với nhiều người. Vậy nên thông thường người dùng chỉ dám giữ nguyên những giá trị mặc định của BIOS với suy nghĩ “thế cho lành”. Nhưng điều bí ẩn nào cũng có thể được đưa ra ngoài ánh sáng. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cơ chế của BIOS theo hướng như vậy.

Làm quen với BIOS

BIOS ở đây là viết tắt của cụm từ tiếng Anh (Basic Input/Output System) có nghĩa là Hệ thống nhập xuất cơ bản. BIOS nằm bên trong máy tính, trên bo mạch chính. BIOS được xem như chương trình được chạy đầu tiên khi máy tính khởi động.

Hầu hết các màn hình khởi động của BIOS đều chỉ xuất hiện trong thời gian rất ngắn khiến bạn chỉ có thể thoáng nhìn qua logo của hãng sản xuất. Ở chế độ mặc định, các cấu hình chi tiết trong BIOS sẽ không hiện ra. Để thấy được điều đó thì khi màn hình BIOS xuất hiện, bạn cần ấn phím “Del” hoặc “F2” hoặc một số phím khác tùy từng hãng sản xuất quy định hiện trên màn hình. Nếu hệ thống boot tới một màn hình logo hiện thị rất to thì hãy nhấn phím Tab ngay lập tức để đọc được thông báo. Bạn cũng có thể kiểm tra trên các tài liệu đi kèm với máy tính để biết thêm chi tiết về điều này.

Khi vào được BIOS, bạn sẽ thấy một menu tổng quan của chương trình này. Menu này sẽ chứa những thông tin cơ bản về hệ thống và một vài lựa chọn mà các nhà thiết kế thiết lập ra. Tuy đơn giản nhưng việc có một cái nhìn sơ khai về màn hình Main Menu này là rất cần thiết.

Ngày giờ

Thông thường bạn không cần phải quan tâm nhiều đến hệ thống thời gian của BIOS. Nhưng nếu như máy tính của bạn thường xuyên có dấu hiệu “nhảy” ngày thì rất có thể pin CMOS của bạn đã có vấn đề hoặc sắp hết. Hãy kiểm tra các tài liệu liên quan để xác định loại pin mà bo mạch chủ dùng để mua dự trữ phòng khi cần thiết. Giá loại pin này rất thấp, chỉ vài nghìn đồng một quả.

Đĩa mềm

Tuy việc sử dụng đĩa mềm đã gần như đi vào quá khứ nhưng những thiết lập có liên quan đến thiết bị này vẫn được các nhà sản xuất tích hợp vào. Nếu bạn không sở hữu một ổ đĩa mềm nào hoặc có mà không dùng đến, hãy disable những thiết lập có liên quan để giảm thời gian boot của hệ thống.

Kênh IDE/SATA 

Có thể bạn sẽ thấy menu chỉ ra ổ đĩa IDE hay SATA đang kết nối với hệ thống máy tính của mình và số kênh mà chúng đang sử dụng. Điều này đặc biệt quan trọng nếu như bạn vừa mới cài đặt một ổ đĩa và muốn chắc chắn rằng hệ thống đã nhận ra thiết bị mới. Nếu không thấy một ổ đĩa mới nào, hãy kiểm tra lại để chắc chắn Channel không ở tình trạng “disable”.

Cấu hình chuẩn SATA

Bạn có thể cấu hình chuẩn SATA theo 3 hướng sau: RAID nếu bạn muốn kết hợp 2 hay nhiều ổ đĩa. Chế độ AHCI để bật thêm những tính năng phụ của chuẩn SATA hay chuẩn IDE dể đạt được độ tương thích lớn nhất.

Một số người cho ràng cấu hình theo chế độ AHCI sẽ tăng tốc được ổ đĩa cứng. Tuy nhiên, điều này là chưa được khẳng định hoàn toàn mà chỉ dựa trên cảm nhận của một số người. Trong trường hợp bạn cấu hình ổ đĩa theo chuẩn này mà máy tính không khởi động được, hãy trả lại về giá trị mặc định ban đầu.

IDE Detect Timeout

Một số mẫu motherboards khởi động quá nhanh đến nỗi ổ IDE chưa kịp vận hành, gây ra hiện tượng máy tính không thể khởi chạy được. Để tránh tình trạng trên, một thông số kỹ thuật được đưa ra là IDE Detect Timeout (Thời gian chờ phát hiện ổ IDE). Nếu ổ IDE của bạn thường xuyên “không được” nhận ra, hãy tăng giá trị của IDE Detect Timeout để đạt được kết quả khả quan hơn. Một số loại BIOS giấu thiết lập này trong menu Advanced.

Lựa chọn Boot mặc định

Chế độ này giúp cho máy tính xác định được thiết bị sẽ được Boot mặc định. Thông thường ổ đĩa cứng HDD sẽ được chọn là “first device” để giảm thời gian khởi động. Tuy nhiên, nếu định cài lại Windows hoặc sử dụng đĩa Hiren Boot thì người dùng sẽ phải cấu hình boot từ ổ đĩa DVD đầu tiên.

Hiện thị Logo toàn màn hình (Full-screen logo)

Hiển thị logo có thể được cho là tăng tính thẩm mỹ nhưng lại cũng làm tăng thời gian boot của hệ thống. Việc hiển thị những logo này cũng không cần thiết cho lắm nên bạn hoàn toàn có thể tắt chúng đi.

Thông báo “Hit Del” hoặc “Press Del”

Như đã nói, khi BIOS khởi động, nếu bạn bấm phím “Del” thì PC sẽ chuyển sang chương trình setting BIOS. Việc làm này có tác dụng trong trường hợp bạn cần giải quyết một vài vấn đề nếu muốn kiểm soát người dùng khác như thiết lập password cho BIOS. Nhưng hãy chắc chắn rằng dù bạn có thực hiện hành động nào thì bạn vẫn sẽ phải vào được BIOS trong lần tiếp theo.

Nhấn F1 nếu có lỗi

Nếu hệ thống bo mạch chủ hoặc phần cứng có bất cứ lỗi nào thì màn hình BIOS sẽ hiển thị thông báo cho người dùng biết. Đây là một điều bình thường ngoại trừ trường hợp PC của bạn không có keyboard, lúc đó bạn sẽ bấm phím “F1” như thế nào? Do vậy, an toàn nhất là bạn nên disable chức năng này.

Thông tin hệ thống (System information)

Một danh sách những thiết bị phần cứng có trong máy tính của bạn sẽ hiện ra, bao gồm tốc độ và chủng loại CPU, lượng RAM, phiên bản BIOS và có thể là ngày tháng sản xuất. Nếu chương trình BIOS của bạn đã quá cũ thì việc nâng cấp BIOS sẽ tạo cho bạn một cảm giác khác hẳn. Thông thường thì tốc độ của hệ thống sẽ được cải thiện đáng kể cũng như sẽ tránh được nhiều lỗi lặt vặt không đáng có.

Tuy nhiên, việc nâng cấp BIOS được cho là ẩn chứa nhiều mối “nguy hiểm”, do vậy bạn hãy thật cẩn trọng khi update chương trình này. Hãy dự phòng một bản back-up BIOS trước khi tiến hành bất cứ thay đổi, update nào của hệ thống.

Suspend mode

Chế độ này còn được biết đến với tên gọi ACPI Suspend Type, cho phép xác lập cách thức cấu hình Sleep mode trên máy tính của bạn. Nếu bạn điều chỉnh mức thiết lập trong mục này là “S3” thì BIOS sẽ tắt hầu hết các linh kiện trên mainboard. Hay nói cách khác, điều đó có nghĩa là hệ thống sẽ được tinh chỉnh để hoạt động với công suất tối thiểu, có những trường hợp điện năng tiêu thụ trên mainboard chỉ còn là 8W.

Nếu một ngày nào đó, người dùng gặp phải vấn đề về ở một thiết bị khi khởi động máy tính cho dù đã update driver mới nhất cũng không được thì có thể chuyển cấu hình Suspend Mode sang mức “S1” (hoặc “S1 Only”). Thiết lập này sẽ khởi động nhiều device hơn và có thể tăng cường khả năng tương thích cho máy tính. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc điện năng tiêu thụ sẽ tăng lên đáng kể thường ở mức xấp xỉ 200W.

Virus Warning (Cảnh báo Virus)

Không mấy lý giải được cho là hợp lý khi người ta nhắc đến phần thiết lập này. Bởi trên thực tế, Virus Warning chẳng thể nào nhận biết được chương trình nào là virus, chương trình nào là “sạch sẽ”. Về mặt lý thuyết, khi chúng ta thiết lập Enable cho chức năng này thì BIOS sẽ báo động và lập tức “treo” máy nếu có bất cứ chương trình nào có ý định thay đổi boot sector hay partition của đĩa cứng.

Tuy nhiên, trên thực tế thì dù có bật hay tắt thiết lập thì máy bạn vẫn có thể nhiễm virus và Virus Warning chẳng thể cảnh báo được cho người dùng. Cũng chính vì lý do kém hiệu quả như vậy nên một số hãng sản xuất BIOS đã bỏ mục này. Vậy nên cách tốt nhất khi bạn còn băn khoăn về thiết lập mục này là Disable nó đi.

Quick Power On Self Test / Quick Boot/ Fast Boot

Nếu thiết lập này được bật thì quá trình khởi động sẽ bỏ qua một số bước kiểm tra như kiểm tra tính năng mở rộng nhằm phát hiện lỗi. Như vậy thời gian boot vào hệ thống sẽ được giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, đồng nghĩa với điều này sẽ là nguy cơ BIOS không check lỗi phần cứng. Nếu tự tin vào sự ổn định của PC, bạn có thể tắt chế độ kiểm tra này đi, đặc biệt là với những máy tính được trang bị dung lượng RAM lớn.

Tuy nhiên, khi làm như vậy, bạn cũng tăng nguy cơ bỏ sót lỗi. Nếu có RAM lớn, đặt Disabled cho mục này là an toàn nhất.

Power on by RTC alarm

Bằng cách bật chế độ này, hệ thống sẽ sử dụng thời gian thực được đo bằng đồ hồ thuộc CMOS để tự động khởi động máy tính tại một thời điểm đã được định sẵn. Người dùng có thể đặt thời mục thời gian này.

Power on by PS/2 keyboard

Nếu bạn sở hữu một bộ keyboard đời cũ được trang bị cổng PS/2 thì thiết lập này sẽ cho phép bạn khởi động máy bằng cách bấm vào nút Power. Đây quả là một thay đổi để giảm đi cảnh tượng nhàm chán mỗi khi phải bấm vào nút nguồn trên case máy tính. Đặc biệt, bạn cũng có thể thiết lập khởi động máy tính bằng cách click đúp vào chuột tại đây.

Power on by PCI/PCIe devices

Bạn đã bao giờ tưởng tượng được cảnh điều khiển máy tính của người khác thông qua mạng internet? Nếu chưa thì bạn có thể thử cách đơn giản nhất bằng việc thiết lập trong “Wake-On-LAN”. Kết hợp với việc sử dụng một trình điều khiển nào đó trong Windows như LogMeIn, người dùng sẽ có thể làm chủ PC như chính mình đang ngồi trước màn hình vậy. Đây quả thực là một sự mới mẻ trong công nghệ điều khiển máy tính ngày càng tinh vi hơn.

Trong cùng mục này bạn sẽ còn có thể theo dõi được PC Health Status (Tình trạng sức khỏe của PC) nơi hiển thị nhiệt độ cũng như số vòng quay của fan tại thời điểm theo dõi. Nếu thấy có bất cứ dấu hiệu bất thường nào xảy ra như nhiệt độ PC quá cao hay tốc độ quạt chậm, bạn nên nghĩa đến giải pháp khắc phục ngay lập tức.

Voltage monitor (Theo dõi điện áp)

Mục này cho phép người dùng theo dõi điện áp của PC, CPU, bộ nhớ và một số linh kiện khác.

Fan speed control (Kiểm soát tốc độ quạt)

Một số loại BIOS cho phép người dùng có thể điều chỉnh tốc độ của quạt gió cho từng trường hợp cụ thể. Ví dụ, bạn có thể thiết lập tốc độ của quạt khi nhiệt độ của PC dưới 60°C ở một mức độ, trên 60°C ở một tốc độ khác.

Ở main Asus, tính năng này được đặt tên là Q-Fan. Bạn có thể điều chỉnh 3 tốc độ khác nhau của quạt gió. Với chế độ “Silent”, chiếc quạt sẽ chạy với tiếng động nhỏ nhất. Với chế độ “Turbo” hệ thống sẽ được làm mát ở mức tốt nhất có thể. Chế độ “Standard” là mức trung bình của 2 mức độ trên.]

Intel SpeedStep (Cài đặt giảm điện áp) 

Thiết lập này bên phía chip Intel có tên tương tự là “Cool n Quiet” trong hệ thống sử dụng chip AMD. Tùy chỉnh trên cho phép PC tiết kiệm năng lượng và giảm độ ồn của quạt gió bằng việc cắt giảm dòng điện áp và tốc độ xung nhịp của CPU khi không cần thiết. Khi thiết lập này được đặt ở trạng thái bật thì người dùng PC sử dụng Windows Vista có thể giảm điện áp cao nhất của CPU theo đường dẫn “Control Panel | System and Maintenance | Power Options | Change Plan Settings | Change Advanced Plan Settings | Processor Power Management”. Thiết lập này được cho là rất hữu ích với người dùng khi họ muốn kéo dài thời lượng dùng pin hơn.

Virtualization technology (Công nghệ ảo hóa) 

Tùy chọn trên cho phép các công cụ ảo hóa trên hệ thống như Microsoft Virtual PC, VMware Workstation hay Sun's VirtualBox được hỗ trợ chip xử lý nhiều hơn.

Intel VT-d 

Intel VT-d cho phép các công cụ ảo hóa tương thích có thể truy cập trực tiếp các thiết bị phần cứng trên host PC nhằm tăng cường hiệu suất. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều báo cáo cho thấy một số sự cố có thể gặp phải khi người dùng sử dụng không đúng cách tùy chỉnh trên. Vì vậy, để chắc chắn, hãy chỉ bật tính năng này lên nếu người dùng thực sự hiểu biết chính xác về hành động họ sẽ làm.

Onboard devices configuration (Cấu hình thiết bị onboard)

Một số mẫu BIOS có thêm tùy chọn ở một menu riêng rẽ mang tên Integrated Peripherals bao gồm một danh sách các thiết bị đã được tích hợp sẵn vào mainboard như audio, network port, FireWire port… Nếu như không có nhu cầu sử dụng hoặc vì một lý do nào đó không muốn bật chức năng này lên, người dùng hoàn toàn có thể tắt chúng.

Khi tắt một số thiết bị không sử dụng ở trên thì xung đột về phần cứng có thể được giảm xuống và giảm được thời gian BIOS, Windows khởi động chúng. Trong trường hợp không thấy port Network hoặc một số thiết bị khác hoạt động, chúng ta cũng có thể kiểm tra ở đây xem liệu chúng có bị tắt hay không.

Một số mẫu BIOS còn cho phép thay đổi tốc độ của RAM và CPU. Theo khuyến cáo từ nhà sản xuất thì khi người dùng không thực sự hiểu những cấu hình trên có tác dụng ra sao thì tốt nhất nên để chúng ở chế độ mặc định ban đầu.

CPU level up (Tăng tốc CPU) 

Với dân “vọc” máy lâu năm thì hẳn họ sẽ quen thuộc với menu trên nhưng một người dùng nghiệp dư hẳn sẽ còn khá xa lạ. Menu này cung cấp một cách làm khác với cách overclock thông thường dò dẫm từng chút một đến khi hệ thống cân bằng giữa hiệu năng và tốc độ. Ở CPU level up, người dùng có thể thực hiện điều này một cách đơn giản hơn nhiều.

Lấy ví dụ menu “Ai Overclocking” ở mainboard Asus, khi muốn chọn tăng tốc CPU i7 920 từ mặc định 2.66GHz lên i7 940 2.93 GHz, người dùng chỉ cần chọn lựa chúng từ menu trong mục. Với những thay đổi trên, kết quả benchmark cho thấy xung nhịp của CPU đã được tăng thêm 10%. Nhưng nếu như người dùng đang sở hữu một hệ thống ổn định và không có ý định “nghiên cứu” tăng tốc CPU thì họ nên giữ nguyên hiện trạng của tùy chỉnh hoặc thiết lập về mức “Auto”.

Memory level up (Tăng tốc Bộ nhớ)

Cũng giống như menu CPU Level Up, tùy chọn dành cho RAM sẽ tăng cường hiệu năng của bộ nhớ so với cấu hình mặc định. Bạn có thể lựa chọn thông số phù hợp nhất với hệ thống của mình. Nếu gặp phải bất cứ trục trặc nào, hãy để về mức “Auto” để bảo đảm tính ổn định của hệ thống.

CPU Ratio setting (Thiết lập tỉ số CPU)

Tỉ lệ xung nhịp của bộ xử lý được tính bằng tích của xung nhịp với tỉ số CPU. Ví dụ, nếu chip Core i7 920 có tốc độ cơ bản là133MHz và tỉ lệ xung nhịp của CPU là 20, chúng ta sẽ có tỉ lệ xung nhịp của hệ thống là 2.66GHz. Nếu tăng thêm 1 xung thì tốc độ sẽ tăng lên vào khoảng 5%.

FSB Memory Clock mode (FSB bộ nhớ) 

Vấn đề gặp phải khi thay đổi xung nhịp cơ bản hay tốc độ FSB là ở chỗ điều đó sẽ ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác. Nếu như RAM của hệ thống chỉ có thể tăng được tối đa là 5% khi overclock thì dù người dùng có cố đẩy tốc độ lên cao hơn thì cũng vô ích. Nếu gặp phải trục trặc nào đó, hãy đặt FSB Memory Clock Mode về thiết lập “Unlinked” và mọi thay đổi về FSB sẽ không còn ảnh hưởng đến RAM nữa.

DRAM Timing control (Kiểm soát điều chỉnh DRAM)

Thông thường, RAM sẽ được cấu hình một lượng thời gian nhất định để giúp các ứng dụng chạy mượt mà hơn. Nếu giảm thông số này xuống thì hệ thống có thể tăng tốc khoảng 2-4% nhưng đi cùng với đó cũng là sự giảm tính ổn định. Nếu sử dụng chip AMD, các bạn có thể tham khảo thêm tại www.bit.ly/oogbi.


Bài viết này chắc hẳn đã giúp bạn biết được phần nào cách sử dụng BIOS .